Trang tin tức sự kiện
 
Trường ĐHKT sẵn sàng cho các chương trình đào tạo chất lượng cao theo mô hình mới

Một giờ học của sinh viên CLC ngành Quản trị Kinh doanh
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển không ngừng của tri thức đã khiến việc nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tự chủ và giải phóng các nguồn lực để có thể đầu tư mạnh mẽ hơn cho các chương trình chất lượng cao đang trở thành nhu cầu tự thân và tất yếu của mỗi trường đại học.


Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) nói chung và Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN nói riêng đã sớm phát triển và đổi mới mô hình quản lý các chương trình đào tạo chất lượng cao,đồng thời sẵn sàng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn giảng viên xuất sắc cho các chương trình đào tạo này.


Đào tạo chất lượng cao là định hướng xuyên suốt và là mục tiêu ưu tiên của Trường ĐHKT

Chiến lược phát triển Trường ĐHKT đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã đưa ra mục tiêu cụ thể: “Nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao, tương đương với chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo ở một số trường đại học tiên tiến trong khu vực”.

Với mục tiêuđó, mô hình các chương trình đào tạo CLC có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Trường ĐHKT, trở thành định hướng, giải pháp xuyên suốt, nhất quán trong những năm gần đây. Với mô hình này, Trường có thể ưu tiên, đầu tư có trọng tâm đối với một số chương trình và tạo tác động lan tỏa đối với các chương trình khác; góp phần tích cực thu hút giảng viên, sinh viên giỏi, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng, uy tín và thương hiệu Nhà trường.

Trong thực tế,Trường ĐHKT đã và đang triển khai 3 chương trình đào tạo chất lượng cao gồm: Chương trình cử nhân Kinh tế quốc tế CLC, Chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh đạt chuẩn quốc tế, Chương trình cử nhân Tài chính - Ngân hàng CLC. Trong đó, 2 chương trình đã được kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA); Chương trình cử nhân Tài chính - Ngân hàng CLC đang chuẩn bị các điều kiện kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA.

Đào tạo chất lượng caotrong bối cảnh hội nhập và xu hướng tự chủ đại học

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển không ngừng của tri thức, đặc biệt là xu hướng tự chủ đại học hiện nay đã đặt ra yêu cầu tất yếucho các trường đại học trong việc tổ chức đào tạo các chương trình chất lượng cao là giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chuyển đổi sang mô hình linh hoạt, tự chủ hơn, tạo sự thuận lợi nhất cho người học.

Để phát triển các chương trình CLC đáp ứng nhu cầu xã hội thì không thể chỉ dựa vào nguồn ngân sách của nhà nước, nhất là với các chương trình có nhu cầu cao, người học sẵn sàng chi trả thêm học phí nếu các cam kết về chất lượng đầu ra được đảm bảo. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tự chủ đại học, Nhà nước sẽ chỉ ưu tiên đầu tư những ngành khoa học cơ bản hoặc các ngành/chương trình liên quan đến an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh đó, ĐHQGHN đã có chính sách phân tầng các chương trình đào tạo, chia đào tạo chất lượng cao thành 2 loại: Loại do nhà nước đầu tư và loại do người học đóng góp chi phí (chương trình chất lượng cao theo thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng); để thông qua đó có định hướng đầu tư tập trung các ngành mũi nhọn, đồng thời huy động người dân chia sẻ chi phí với những chương trình có nhu cầu cao, người học có cơ hội tìm kiếm công việc với thu nhập cao để bù đắp chi phí sau khi tốt nghiệp. Đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của đại học Việt Nam hiện nay.

Do đó, từ năm học 2015-2016, Trường ĐHKT đã chính thức chuyển Chương trình cử nhân Kinh tế quốc tế CLC và Chương trình cử nhân Quản trị kinh doanhđạt chuẩn quốc tế thành những chương trình chất lượng cao thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng. Các chương trình này đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chương trình CLC của ĐHQGHN, Bộ GD&ĐT (Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT).

Theo đó, chuẩn đầu ra của các chương trình này cao hơn so với chương trình đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn; năng lực ngoại ngữ; năng lực ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm; khả năng thích nghi với môi trường công tác; riêng năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương).

Trường ĐHKT đã sẵn sàng các nguồn lực cho các chương trình chất lượng cao

Từ nhiều năm trước, xác định được nhu cầu cấp bách của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập, Trường ĐHKT đã chủ động các nguồn lực cho những chương trình đào tạo CLC, đặc biệt là nguồn giảng viên xuất sắc.

Hiện nay, một sốtiêu chí quan trọng nhất về chất lượng giảng viên của Trường ĐHKT thậm chí đã vượt tiêu chí của đại học nghiên cứu theo Hướng dẫn số 1206/HD-ĐBCLGD ngày 23/4/2013 của ĐHQGHN (lấy chuẩn đối sánh - benchmark - là top 500 trường hàng đầu thế giới) và thuộc nhóm cao nhất trong các trường đại học ở Việt Nam như: Tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên chiếm trên 72%, (tiêu chí là 70%); tỷ lệ giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư chiếm 21% (tiêu chí là 20%), số lượng bài báo quốc tế thuộc Cơ sở dữ liệu ISI hoặc/và Scopus trên cán bộ khoa học trong 5 năm gần đây đạt 0,7 (tiêu chí là 0,5); tỷ lệ nghiên cứu bậc sau tiến sĩ (post-doc) đạt 3.9% (chỉ tiêu là 3%).

Một vài chỉ số khác của Trường ĐHKT tuy không thuộc bộ tiêu chí đại học nghiên cứu nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng: 72% giảng viên của Trường được đào tạo chuyên sâu tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản, Pháp, Úc, Mỹ, Anh... về nhiều lĩnh vực khác nhau như: quản trị kinh doanh, quản lý, kinh tế quốc tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, kinh tế phát triển, kinh tế chính trị... Trong số đó, trên 50% giảng viên có khả năng giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh thành thạo.

Sự xuất sắc của đội ngũ giảng viên Trường ĐHKT có thể thấy rõ trong thành tích nghiên cứu khoa học (NCKH) mang tầm quốc tế. Năm 2016, giảng viên Trường ĐHKT đã góp phần đưaĐHQGHN xếp thứ 2 về công bố ISI (SSCI) theo phân ngành Kinh tế và Kinh doanh trong top 15 trường đại học ở Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa đối với các chương trình thạc sĩ chất lượng cao sắp được triển khai tại Trường trong thời gian tới.

 

Giảng viên phải vượt qua những tiêu chí khắt khe và có sự sàng lọc, thử thách ở từng học kỳ

Giảng viên tham gia các chương trình cử nhân CLC theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT (Kinh tế Quốc tế, Quản trị Kinh doanh) phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, bao gồm: Có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư; hoặc có trình độ thạc sĩ tốt nghiệp ở các trường đại học của các nước phát triển; có kinh nghiệm giảng dạy liên quan từ 3 năm trở lên. Giảng viên dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ bậc 5/6 (C1) trở lên hoặc được đào tạo trình độ đại học trở lên toàn thời gian ở nước ngoài bằng ngôn ngữ đó.

Ngoài các tiêu chuẩn trên, Nhà trường còn quy định giảng viên chỉ được tham gia giảng dạy nếu được sinh viên đánh giá “đạt” ở học kỳ gần nhất, nếu không đạt thì không được tiếp tục giảng dạy cho chương trình. Giảng viên chưa từng được đánh giá tại Trường vì lý do khách quan thì chỉ được tạm thời tham gia giảng dạy một học phần, sau đó nếu được sinh viên đánh giá đạt mới được tiếp tục tham gia giảng dạy.

Đây là một điểm nhấn, khẳng định sự tôn trọng đối với phản hồi của sinh viên, khách hàng; đồng thời yêu cầu giảng viên phải cố gắng, nỗ lực không ngừng. Không phải chỉ được sinh viên đánh giá đạt một lần là giảng viên có thể thường xuyên được tham gia giảng dạy. Bộ tiêu chí này còn này áp dụng đối với tất cả giảng viên thỉnh giảng tham gia các chương trình.

Tương xứng với những tiêu chuẩn tuyển chọn nghiêm ngặt này, giảng viên sẽ được hưởng những quyền lợi đặc biệt, được ưu tiên đi bồi dưỡng nâng cao năng lực ở trong và ngoài nước sau mỗi năm học.

Sự tham gia sâu rộng của các học giả quốc tế

Một sự may mắn kép là trong khi Trường ĐHKT đã có thể chủ động bố trí được được giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy các chương trình CLC từ mạng lưới đối tác sâu rộng của Trường thì cũng là lúc Chương trình Thu hút học giả quốc tế của ĐHQGHN chính thức khởi động.

Chương trình này đã nhận được sự đồng ý tham gia của GS. Nguyễn Duy Khương - giữ vị trí thứ 7 trong Top 200 nhà kinh tế hàng đầu thế giới (do dự án RePEC - Research Papers in Economics bầu chọn). Thông qua lời mời của GS. Khương, đã có nhiều học giả nhận lời tham gia chương trình. Như vậy ĐHQGHN và Trường ĐHKT đã có một nguồn học giả quốc tế đông đảo và chất lượng để hoàn toàn chủ động cho các chương trình đào tạo CLC trong thời gian sắp tới.

Với cơ hội này, Trường ĐHKT, mặc dù đã sẵn sàng nguồn giảng viên quốc tế cho các chương trình nhưng vẫn đang tiếp tục xây dựng các TOR (điều khoản tham chiếu) khả thi để huy động học giả quốc tế tham gia sâu rộng hơn nữa vào tất cả các hoạt động (giảng dạy, điều phối, thực thi, thiết kế các chương trình đào tạo chất lượng cao, hướng dẫn khoa học và phối hợp nghiên cứu …) của các chương trình đào tạo CLC nhằm đẩy mạnh mức độ quốc tế hóa, đảm bảo môi trường học tập hiện đại và tốt nhất cho người học.


Giảng viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN  tham gia khóa tập huấn tại Úc

 

Trong năm học 2016-2017, Trường ĐHKT bắt đầu tuyển sinh 2 chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng là Kinh tế quốc tế và Quản trị kinh doanh. Do chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và nguồn lực, đầu tháng 8/2016 vừa qua, Trường tiếp tục được ĐHQGHN phê duyệt 2 chương trình chất lượng cao là Thạc sĩ Kinh tế biển và Thạc sĩ Quản trị các tổ chức tài chính, chuẩn bị tuyển sinh ngay trong thời gian tới.

Tiếp tục định hướng đào tạo “tinh hoa”, chất lượng cao, Trường ĐHKT dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các chương trình chất lượng cao thu học phí theo điều kiện đảm bảo chất lượng... Các chương trình trên, với sự chuẩn bị chu đáo, khác biệt về cơ chế và nguồn lực, dự kiến sẽ được đông đảo người học và phụ huynh ủng hộ, góp phần đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội hiện nay về nguồn nhân lực CLC để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

 


Mạnh Đức